Sự ra đời của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới góp phần khắc phục một phần hậu quả do tai nạn giao thông gây ra, giúp cho chủ xe cơ giới cũng như người bị nạn nhanh chóng ổn định cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh. Các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm các loại chính như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3, bảo hiểm vật chất thân xe, bảo hiểm tai nạn lái, phụ và người ngồi trên xe.
Trong ba loại trên, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba là loại hình bảo hiểm bắt buộc (được quy định tại Luật dân sự, Luật kinh doanh bảo hiểm và các nghị định của Chính phủ) mà đối tượng bảo hiểm là những thiệt hại về người và tài sản do người sử dụng xe gây ra cho người khác và phải bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật.
Khắc phục hậu quả tai nạn hay bồi thường cho người tham gia bảo hiểm là khâu cuối cùng trong quá trình bán sản phẩm bảo hiểm của nhà bảo hiểm. Đây là việc thực hiện cam kết bồi thường bảo hiểm của nhà bảo hiểm, thể hiện rõ nhất tính chất xã hội và nhân đạo của bảo hiểm. Chỉ có ở đây, người ta mới nhận thấy rõ vai trò của bảo hiểm nói chung và các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới nói riêng. Vì thế đây chính là khâu được cả nhà bảo hiểm lẫn khách hàng quan tâm nhất.
Theo ông Phạm Ngọc Giao, Phó phòng bảo hiểm xe cơ giới, Bảo Việt Việt Nam, thị trường bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng trưởng một cách nhanh chóng, và được dự báo là còn tiếp tục phát triển. Từ mức doanh thu phí của năm 2002 là 637,123 tỷ đồng đã tăng lên 969,39 tỷ đồng (năm 2003), 1.355,972 tỷ đồng (năm 2004) và hơn 1.601 tỷ đồng (năm 2005).
Năm 2006, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới dự kiến sẽ không giảm so với năm 2005 song mức tăng trưởng sẽ không đạt như ý muốn. Sự thay đổi trong chính sách thuế đối với xe ô tô cũ nhập khẩu là một trong những nguyên nhân có tác động đến sự sụt giảm doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm này trong ba tháng đầu năm 2006. Mức tăng trưởng thực tế trong những tháng đầu năm này chỉ đạt 10% thay vì mức 15% đặt ra theo kế hoạch.
Trong khi đó, số tiền bồi thường ngày càng gia tăng. Số tiền bồi thường các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm cũng tăng rất nhanh, từ 264 tỷ đồng (năm 2002) đã tăng lên đến trên 1.000 tỷ đồng (năm 2005). Con số này cho thấy rõ hai điều: hậu quả do tai nạn giao thông gây ra hàng năm là rất lớn và các nghiệp vụ xe cơ giới đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định đời sống sinh hoạt và kinh doanh của rất nhiều nạn nhân của tai nạn giao thông.
“Vai trò của bảo hiểm nói chung và bảo hiểm xe cơ giới nói riêng không chỉ dừng lại ở việc bồi thường tổn thất, khắc phục hậu quả tai nạn mà còn được thể hiện rất rõ trong việc đề phòng hạn chế tổn thất, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Hàng năm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho công tác đề phòng và hạn chế tai nạn. Trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Bảo Việt đã chi hàng trăm triệu đồng cho mỗi đèo để làm đường lánh nạn như đèo Cù Mông, Măng Giang, Thung Khe, Hải Vân...
Dọc các tuyến đường sắt tiếp giáp với đường bộ, nhiều công trình rào chắn an toàn giao thông đã được dựng lên với sự đóng góp nhiều tỷ đồng của Bảo Việt như đoạn đường Bắc Giang, Phú Xuyên (Hà Tây), Thanh Hoá, Nghệ An... Những dự án tuy chưa nhiều song cũng đã góp một phần không nhỏ vào việc giảm thiểu, hạn chế tai nạn giao thông.
BTV. Tiến Hùng
Theo (Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam - No.88 [2006-05-03], IIC cập nhật ngày 19/5/2006)