Một là, cơ hội đầu tiên được nhắc đến là việc áp dụng quy định mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá dễ cháy nổ trên đường thuỷ nội địa. Đây được xem như là cơ hội tốt để các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác thị trường và đưa tốc độ tăng trưởng của nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ vượt hơn mức 15,32% như của năm 2005.
Hai là, năm 2006 cũng được dự đoán là một năm tăng mạnh đối với nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng lắp đặt do số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 5,83 tỉ USD và vốn ODA đạt 3,74 tỉ USD của năm 2005 sẽ được tiếp tục thực hiện vào năm 2006. Đồng thời, việc xoá bỏ hạn chế đăng ký xe máy, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu ôtô cũng sẽ là tiềm năng phát triển bảo hiểm xe cơ giới.
Ba là, bên cạnh đó, việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với người Việt Nam du lịch lữ hành quốc tế đã có khung pháp lý để phát triển khi Luật du lịch có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 và Nghị định Chính phủ hướng dẫn về du lịch lữ hành sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Bốn là, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2006 đều quy định các doanh nghiệp phải mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển sản phẩm của mình. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên 8%/năm trong đó có nhiều lĩnh vực tăng trưởng mạnh: đóng tàu, du lịch, hàng không, XNK... tạo cho bảo hiểm tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, cùng với những cơ hội vàng đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.
Thứ nhất, bảo hiểm y tế tự nguyện đang được phép triển khai rộng rãi, các đơn vị bảo hiểm y tế đang đào tạo đại lý và bán bảo hiểm từ đầu năm 2006. Theo nhận định của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, đây là lực lượng cạnh tranh quyết liệt với bảo hiểm nhân thọ và nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn con người.
Thứ hai, các ngân hàng thương mại chưa dừng chiến dịch thu hút tiền gửi tiết kiệm thông qua tăng lãi suất và khuyến mại sẽ gây khó khăn không nhỏ cho bảo hiểm nhân thọ, vốn đã khá chật vật trong năm 2005. Các hợp đồng khai thác mới sẽ tăng chậm lại và rất có thể tổng số tiền bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm khai thác mới sẽ tiếp tục giảm đi. Trong năm 2005, mặc dù tổng số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới tăng 3,27% so với năm 2004 song tổng số tiền bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm khai thác mới giảm 5,73% so với năm 2004. Tổng số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đạt 820.000 hợp đồng, tăng 26.000 hợp đồng so với năm 2004 trong khi tổng số tiền bảo hiểm của các hợp đồng khai thác mới này chỉ đạt 20.626 tỷ đồng, giảm 1.253 tỷ đồng so với năm 2004. Bình quân số tiền bảo hiểm của hợp đồng khai thác mới trong năm 2005 cũng giảm 2,4 triệu đồng tương ứng mức giảm 8,7% so với năm 2004.
Thứ ba, lộ trình thực hiện rào cản thương mại theo Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ đối với dịch vụ bảo hiểm là 5 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, kết thúc vào cuối năm 2006. Khi đó nếu Việt Nam gia nhập WTO thì cần mở rộng thị trường bảo hiểm, tăng cường hội nhập quốc tế và tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Đánh giá của Bộ tài chính cũng cho thấy, năm 2005 là năm mà thị trường bảo hiểm Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá cao so với tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 15.678 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,03% GDP. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 13.558 tỷ đồng, doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 2.120 tỷ đồng.
Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng tăng, vai trò, vị trí của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tiếp tục được củng cố và tăng cường, chiếm 61,13% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Năm 2005, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 5.535 tỷ đồng tăng trưởng 16,1% so với năm 2004.