Dựa trên những kiến nghị của doanh nghiệp, Đoàn khảo sát đang đề nghị Bộ tài chính chỉ đạo tổng kết 3 năm thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và sửa đổi bổ sung Quyết định 23, hướng dẫn công tác tuyên truyền bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới trên toàn quốc và từng địa phương.
Theo ông Lộc, một điều rất dễ nhận thấy qua các cuộc gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp qua chuyến khảo sát vừa qua là nhiều vụ tai nạn đã được giải quyết bồi thường nhanh chóng, đầy đủ trong vòng 3 năm qua. Điển hình là các vụ tai nạn tại đường 5 Hải Phòng, Hữu Lũng (Lạng Sơn), đèo Hải Vân (Đà Nẵng), đèo Loxo (Kon Tum)...
Việc giải quyết bồi thường tai nạn cho nạn nhân cũng góp phần đảm bảo quyền lợi nạn nhân khi chủ xe không đủ khả năng tài chính, nhất là chủ xe môtô là nông dân và dân tộc ít người, tránh được những kiện tụng xô xát gây mất trật tự xã hội.
Tuy nhiên, nhìn chung số lượng chủ xe môtô tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới còn thấp, thiếu tự giác, đa số là mua để đối phó với xử phạt của công an. Một số chủ xe ôtô mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới để đăng kiểm xong rồi đề nghị huỷ hợp đồng. Các trường hợp trục lợi bảo hiểm đã bị phát hiện nhưng chưa được kiên quyết xử lý.
Con số thống kê tại các địa phương cho thấy, số xe ôtô tham gia bảo hiểm lên tới trên 80% (trừ xe công an, quân đội và xe không lưu hành). Số xe máy tham gia bảo hiểm ở từng địa phương từ 30% đến 35%, đặc biệt tại Gia Lai (tỉnh miền núi) bà con dân tộc ít người có tỉ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô lên tới xấp xỉ 45%.
Cũng từ thực tế trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã kiến nghị sửa đổi bổ sung quy tắc bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Theo đó, Bộ tài chính nghiên cứu bổ sung thêm những điểm loại trừ nhất là những hành vi vi phạm pháp luật hiện hành (có độ cồn quá quy định, phóng nhanh chạy quá tốc độ quy định, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đua xe, đánh võng, đi không đúng làn đường quy định, thiếu thiết bị an toàn (còi, đèn, phanh...).
Đối với các trường hợp đặc biệt như: trường hợp bồi thường nhân đạo, bồi thường thiện chí, các trường hợp qiải quyết bồi thường theo sự thoả thuận giữa chủ xe và nạn nhân theo Bộ luật dân sự, Bộ tài chính cần có hướng dẫn chi tiết hơn.
Một đề nghị của các doanh nghiệp và các ban ngành địa phương khác được xem là khá thiết thực là chế độ thu phí bảo hiểm với xe môtô mới đăng ký từ 2 đến 3 năm, khuyến khích xe ôtô mới đăng ký tham gia bảo hiểm đến 3 năm (phù hợp với thời gian đăng kiểm) và chỉ bán bảo hiểm với thời gian tối thiểu 1 năm (trừ các trường hợp đặc biệt xe chỉ hoạt động dưới 1 năm) nếu khách hàng huỷ hợp đồng thì tỉ lệ phí hoàn lại chỉ bằng 50% số phí theo thời gian còn lại của hợp đồng. Đồng thời, cần có chế độ khuyến khích đối với khách hàng tham gia bảo hiểm từng năm trong 3 năm hay 5 năm liên tục không để xẩy ra tổn thất.
Qua 3 năm thực hiện, nhờ có quyết định Bộ tài chính cho phép những vụ tai nạn không nghiêm trọng, doanh nghiệp bảo hiểm được quyết định giám định tổn thất và giải quyết bồi thường nên thủ tục hồ sơ, thời gian giải quyết bồi thường được nhanh chóng kịp thời. Tuy nhiên, theo phản ảnh của các doanh nghiệp, việc giải quyết bồi thường vẫn còn một số vướng mắc.
Theo ông Lộc, những kiến nghị mà các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra như: Bộ tài chính cần trao quyền và trách nhiệm cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động giám định xác định tổn thất và giải quyết bồi thường hơn nữa. Đồng thời, Bộ tài chính và Bộ công an cần có hướng dẫn về phân định lỗi, làm cơ sở cho việc hoà giải và thương lượng với nạn nhân, quy trình xử lý khi tai nạn xảy ra...
Riêng với các trường hợp trục lợi bảo hiểm bị phát hiện, các doanh nghiệp đề nghị Bộ tài chính cần kiên quyết xử lý. Bởi đã xảy ra không ít các trường hợp trục lợi bảo hiểm như tại Quảng Ninh xe gây tai nạn xong kéo xe về nhà đi mua bảo hiểm rồi mới bắt đầu khai báo tai nạn, tại Cần Thơ xe tự ngã nhưng đã câu kết với chủ xe khác có mua bảo hiểm để được bồi thường.
Thường là các vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện tương đối muộn sau khi xảy ra tai nạn nên cơ quan công an khó dựng lại được hiện trường để điều tra. Mặt khác doanh nghiệp bảo hiểm không có quyền phạt hoặc xử lý những vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện này.
Ngoài ra, để tránh trường hợp trục lợi bảo hiểm, sau tai nạn mới mua bảo hiểm, các doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan công an khi xử lý bất kỳ vụ tai nạn giao thông nào nên có kiểm tra giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực.
Hoàng Xuân
Theo VNECONOMY cập nhật: 12/06/2006