Tôi là người thích phiêu lưu nhưng lại ngại chưa có nhiều tiền để mạo hiểm. Thấy mọi người xôn xao về chuyện đấu giá cổ phần Bảo hiểm dầu khí (PVI) nên tôi cũng thử một phen đến đó xem sao.
Thiết lập những kỷ lục
Hôm đấu giá, tôi đến Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội từ khá sớm. 8 giờ, sàn giao dịch đã chật ních người. Hàng trăm con mắt đổ dồn về phía bảng điện tử đang lần lượt hiện giá và số lượng cổ phần mà các nhà đầu tư đặt mua của PVI. Bản thân tôi, đắn đo mãi cũng chỉ dám đặt đến giá 60 với số lượng 1.000 cổ phần. Không phải đợi lâu, chỉ sau khoảng 30 phút tôi biết chắc mình đã bị loại ra khỏi cuộc chơi cho dù theo dự đoán phiên đấu giá phải đến tận … 8 giờ tối mới kết thúc. Trên bảng điện tử, giá liên tục được đẩy cao qua ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu. Ngồi cạnh tôi là Hùng - một nhà đầu tư bán chuyên nghiệp. Hùng bảo: Theo tính toán của tôi, cổ phần PVI cùng lắm cũng chỉ ở giá 70, nhưng cũng với những lệnh đặt mua đã mở, dù mới được khoảng 10% nhưng chắc sẽ không có cơ hội vì giá phải trên 100.
Trong sàn thỉnh thoảng lại có tiếng ồ lên mỗi khi giá cao nhất được mở. Đến khi một nhà đầu tư đặt lệnh mua với số lượng lên đến gần 10 triệu cổ phần, giá 112.500/cổ phần hiện lên thì nhiều người hết kiên nhẫn đành phải lắc đầu ra về. Chỉ một lát sau lệnh đặt mua hơn 2 triệu cổ phần với giá 172.000 đồng/cổ phần được mở thì nhiều người đoán đó là giá nhà đầu tư Tài chính Dầu khí (đơn vị đấu thầu uỷ thác cho ngành dầu khí) bỏ. Đáng nể nhất có một nhà đầu tư đặt mua với mức giá 11,5 triệu đồng/cổ phần, gấp 1.000 lần giá khởi điểm.
Phiên giao dịch chứng khoán đầu kết thúc vào lúc … gần nửa đêm. Giá đấu thành công thấp nhất là 142.000 đồng/cổ phần, mức giá bình quân là 160.250 đồng/cổ phần. Và phiên đấu giá cổ phần PVI trở thành phiên đấu giá có nhiều kỷ lục nhất từ trước đến nay: kỷ lục về số nhà đầu tư đăng ký tham gia (hơn 8.000 nhà đầu tư với số lượng đặt mua gấp gần 30 lần), kỷ lục về giá trúng thầu (giá trúng thầu thấp nhất là 142.200 đồng/cổ phiếu và giá bình quân là 160.250 đồng/cổ phiếu, giá cao nhất 11,5 triệu đồng/cổ phiếu, trong tổng số gần 8.000 nhà đầu tư tham gia đấu giá chỉ có 349 người trúng thầu, gồm 4 tổ chức và 345 cá nhân). Một kỷ lục nữa là thời gian làm việc của ban tổ chức (đến gần nửa đêm)
Hiệu ứng lan toả
Đã có người đặt câu hỏi: Giá trúng thầu phản ánh đúng cung - cầu của thị trường, nhưng cao như giá của PVI có phản ánh đúng với giá trị thực của doanh nghiệp hay không? Xét trên bình diện kinh doanh, PVI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn thứ 3 tại Việt Nam. Doanh thu năm 2006 đạt 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng doanh thu trên 60%. Cộng thêm thương hiệu PV của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sự kết hợp giữa hai lĩnh vực được coi là “hót” nhất hiện nay là bảo hiểm và dầu khí đã làm cho PVI trở thành “cổ phần” được mong đợi trong năm. Trong hoạt động kinh doanh, không chỉ giữ vững thị phần trong nước, PVI đã bước đầu vươn ra thị trường quốc tế với các hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo hiểm cho KNOC với giá trị bảo hiểm hàng chục triệu USD, Công ty cũng đã đầu tư vào một số tàu dầu và tham gia bảo hiểm cho các giàn khoan ở nước ngoài, nhận tái bảo hiểm từ Triều Tiên, Trung Quốc… Nhưng liệu đó có phải là tất cả?
Có lẽ, dư âm của phiên đấu giá cổ phần PVI sẽ còn tiếp tục kéo dài đến ngày 22/1/2007, tức là khi thị trường biết được giá mà nhà đầu tư chấp nhận mua PVI là bao nhiêu. Một câu hỏi được đặt ra là nếu nhiều nhà đầu tư từ chối quyền mua cổ phiếu PVI, tức là chấp nhận bỏ tiền đặt cọc, thì liệu giá các cổ phiếu bảo hiểm khác có bị ảnh hưởng? Chưa có câu trả lời nhưng khả năng bỏ “cọc” của các nhà đầu tư là rất ít. Giá trúng thầu cao chứng tỏ uy tín cũng như tiềm năng to lớn của PVI; mang về cho Nhà nước gần 2.000 tỷ đồng nhưng, giá quá cao là điều các nhà đầu tư và ngay cả người của PVI cũng không mong muốn.
Theo Doanh nhân - 15/01/2007