Thị trường chứng khoán trong một hai tháng gần đây đã bớt đi sự đầu tư theo cơ hội mà phần lớn phụ thuộc vào thực lực của bản thân doanh nghiệp, được xem như một xu hướng tốt. Tuy nhiên, việc hạn chế ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước cũng đã làm giảm đi tính sôi động và đã làm giảm giá các cổ phiếu nói chung trên thị trường. Đợt bán đấu giá lần này chưa cho thấy hết sức mạnh thực sự của PVI mà chỉ phản ánh xu hướng của thị trường đối với việc mua bán cổ phần của các công ty nhà nước được cổ phần hoá.
Ông cảm thấy thế nào khi lượng nhà đầu tư là tổ chức chiếm con số áp đảo, với việc trúng đấu giá hơn 8 triệu cổ phần?
Kết quả cũng như diễn biến của cuộc đấu giá cho thấy đợt đấu giá lần này đã không bị nóng lên bởi các nhà đầu cơ mua đi bán lại mà dành cho những nhà đầu tư thực sự muốn đầu tư lâu dài, hướng tới sự phát triển của PVI. Việc các tổ chức mua được cổ phiếu PVI nhiều hơn cá nhân cho thấy sức mạnh của PVI dưới con mắt của cả một tập thể, tổ chức, chứ không đơn thuần là các cá nhân riêng lẻ.
Đó là do sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng của các tổ chức này đối với PVI, mà trên thực tế, kể từ lần đấu giá thứ nhất đến nay, kết quả kinh doanh của PVI đã tăng lên đáng kể. Về doanh thu, năm 2007 PVI sẽ đứng thứ hai thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, còn nói về tiềm năng (kể cả về khả năng đầu tư tài chính và lợi nhuận) thì PVI sẽ là tổng công ty bảo hiểm phi nhân thọ số 1 Việt Nam.
Có nguồn tin cho rằng, sau khi đấu giá, giá cổ phiếu PVI sẽ sụt giảm ?
Tôi có đọc thông tin trên Thời báo kinh tế nói giá cổ phiếu PVI đang sụt xuống dưới mức giá đấu thành công thấp nhất (70.100 đồng/cổ phiếu). Có thể đây chỉ là hiện tượng làm giá của một số ít nhà đầu cơ, họ chơi trò làm giá để gom hàng nhằm bán ra với giá cao hơn. Nhà đầu tư nên cẩn trọng để tránh thua thiệt. Nếu có những người chào bán cổ phiếu PVI ở mức 67.000 - 68.000 đồng/cổ phiếu thì PVI và cán bộ công nhân viên ở đây sẵn sàng mua lại các cổ phiếu chào bán đó./.
Theo Đầu tư Chứng khoán (Kim Lan thực hiện)